Tâm tình Dehaer
Học nhặt - Một vài vấn đề nhỏ về Viết
Theo quan điểm của tôi, việc viết cho hấp dẫn, súc tích hoặc từ ngữ chau chuốt không phải là điều quan trọng nhất của việc viết. Viết là một cơ hội học tập, một hình thức đối thoại để tự nhận ra điều mới. Mỗi dòng, mỗi ý là một cánh cửa mới được mở ra, đưa ta đến với sự hiểu biết sâu sắc hơn.
Kĩ năng viết, thuộc một trong nhóm nền tảng của kĩ năng học Nghe-Nói-Đọc-Viết-Hành. Nhiều người cho rằng viết khó, tôi cho rằng viết thực sự rất khó. Nhưng, thường nó khó với mọi người không phải vì bản chất của sự viết, mà thường vì các kì vọng sai lầm của người viết. Bài này tôi sẽ giúp cho sự viết bớt khó hơn một chút với tất cả chúng ta. Tôi hi vọng có thể thực hiện việc này bằng cách chia sẻ một chút kinh nghiệm của bản thân. Lần này, tôi sẽ giới thiệu với cả nhà một số hiểu lầm trong viết lách.
Phải viết cho hấp dẫn, chính là hiểu lầm đầu tiên của người mới bắt đầu viết, khiến cho việc viết trở nên khó khăn. Người viết dành phần lớn thời gian quí báu để suy nghĩ về cốt truyện, bố cục, từ ngữ cốt sao cho bài đọc trở nên hấp dẫn với đối tượng đọc. Hấp dẫn là tốt, nhưng không phải là mục đích của việc viết. Việc nỗ lực làm cho bài viết hấp dẫn chỉ nên xem xét trong những tình huống thật cần thiết, còn nếu không, tốt nhất hãy giữ cho bài viết của mình...ít hấp dẫn. Câu chuyện, bố cục, từ ngữ khiến cho bài viết hấp dẫn, hóa ra là có hại với người đọc, vì những thứ hấp dẫn che mắt người đọc khỏi những điều tối quan trọng của nội dung cần thiết và còn làm mất thời gian quí báu của người viết. Thực tế đọc của tôi cho thấy, rất nhiều nội dung hay không hề hấp dẫn hoặc cuốn hút. Thậm chí, các tác phẩm văn chương từ chính các nhà văn không hề hấp dẫn một tẹo nào. "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh khiến từng nhịp đập trong tim tôi bải hoải. "Trái tim Danko" của Maksim Gorky khiến tôi thấy như mất máu. "Suối Nguồn" của Ayn Rand khiến tôi uể oải khi dừng đọc. Mà đấy là các tác phẩm văn chương, chứ nếu ta tiếp cận các tác phẩm hơi học thuật một chút như "Một thử nghiệm phê bình" của C. S. Lewis, "Qui tắc của nghệ thuật" của P. Bourdieu thì chỉ khiến ta muốn ngủ ngay lập tức. Đấy là chưa kể các cuốn sách chuyên môn hơn ví dụ như "Lean Architecture" của bác Bóp. Tôi xin đính chính một chút, đây không phải là lời đề nghị mọi người viết hãy tập trung vào nội dung, đây chỉ là một lưu ý rằng sự hấp dẫn, màu mè, cuốn hút không phải là mục đích của chúng ta và hầu hết chúng có hại, như cái cách mà kẹo ngọt gây hại cho lũ trẻ.
Phải viết ngắn gọn và súc tích là hiểu lầm tiếp theo. Ngắn gọn thì tốt hơn dài dòng, nhưng, ngắn gọn không phải là mục đích của sự viết. Thực sự mà nói, ngắn gọn thì rất khó. Blaise Pascal đã thốt lên rằng: "Tôi đã viết thư này dài hơn vì không có thời gian để viết ngắn hơn". Ngắn gọn cần nhiều thời gian cho bài viết và tác giả cũng cần có đủ thời gian sống để viết cho ngắn gọn. Thậm chí, người đọc sẽ cần đọc lâu hơn với một tác phẩm ngắn. Ví dụ tôi đã mất cả tháng để đọc "Turning the Flyingwheel" của Jim Collins, một tiểu luận ngắn của J. Collins về vận hành doanh nghiệp. Tôi thậm chí không hiểu hố đen là gì nếu đọc định nghĩa từ Oxford cho đến khi đọc xong tác phẩm dài "Lược sử thời gian" của Stephen Hawking. Tôi không có ý phủ nhận sự tuyệt vời của những điều tinh túy được chắt lọc thành giọt cô đặc, như cái cách ta uống một chai rượu 10 năm chôn dưới đất sâu. Nhưng, cần hết sức lưu ý là, ngắn gọn không phải là mục đích của việc viết.
Cần phải chắt lọc ngôn từ cẩn thận. Thực sự thì, trừ khi ta có ý đồ văn chương, việc chắt lọc ngôn từ là không cần thiết. Thời gian trôi qua như bóng câu ngoài cửa sổ và thời gian đang trôi qua nhanh không làm thay đổi bản chất của nội dung. Các ý đồ văn chương thường tìm gọt ngôn từ nhằm đạt được mục đích nghệ thuật nào đó, thường là điều không quá quan trọng với người viết thông thường. Bao lớp áo quần giả tạo thực sự chỉ nhằm mục đích che đậy. Cái đẹp, cái hay của bản chất mới lâu bền, không bị bong tróc bởi lớp lớp đọc giả gột rửa nó. Chính lối văn thô mộc của "Ông già và biển cả" khiến nó trường tồn. Một lần nữa tôi phải nhấn mạnh rằng, chắt lọc là việc tốt, nhưng cái gì cũng chỉ tốt nếu ta biết dùng nó đúng. Mất thời gian gạn lọc tô vẽ sẽ khiến tác phẩm của ta thiếu tính cách, nhàm dở và dẫn lối người đọc chui vào những chỗ đâu đâu mà không để ý đến bản chất.
Suy nghĩ về việc viết cho ai mà quên đi bản thân mình. Bác Hồ vĩ đại đã dạy rằng, trước khi viết cần suy nghĩ: "Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?". Đó là điều bác căn dặn... các nhà báo. Với mục đích là tuyên truyền, việc suy nghĩ đến đối tượng viết để viết sao cho phù hợp là rất quan trọng. Nhưng tôi lại cho rằng, một bài viết hay, đặc biệt là không có tính tuyên truyền, không cần lựa chọn đọc giả. Hãy để đọc giả lựa chọn bài viết. Nội dung viết tốt thì bài viết đó sẽ tự nó tìm được độc giả của chính mình. Nhất thiết, người viết phải tập trung vào chính mình, viết vì mình cảm thấy cần phải viết như thế, chứ không phải vì độc giả cần đọc những thứ như thế.
Hơn tất thảy, người viết cứ nên bắt đầu viết, một dòng, rồi một đoạn rồi cứ thế để mặc cho những gì có sẵn trong mình được thể hiện ra qua từng kẽ tay. Nếu ta trống rỗng ý tưởng thì hãy bỏ qua ý tưởng. Nếu cạn lời thì hãy dùng hình thức minh họa (bằng từ, ví dụ thế). Nếu độc giả chê cười thì hãy cười với họ chút cho họ vui. Nhiệm vụ của chúng ta là viết, người viết sẽ học hỏi được rất nhiều từ chính bài viết của mình, đó là hình thức học tập vô cùng mạnh mẽ và sắc bén.
Ẩn danh
hay