Tâm tình Dehaer
Có một sức mạnh đáng kinh ngạc trong từ “Cảm ơn” (Phần mở đầu)
“The greatest thing is to give thanks for everything. He who has learned this knows what it means to live. He has penetrated the whole mystery of life: giving thanks for everything.” — Albert Schweitzer
Huế, một ngày mưa cuối tháng 10. Như bao ngày bình thường khác, sau khi chiếc BOT trên mattermost và phần mềm chấm công của DEHA đặt cho tôi một câu hỏi mang đầy tính triết học “Bạn đã check-out chưa?” .. trong khi tôi còn không nhớ mình đã check-in hay chưa, tôi sẽ chìm sâu vào những suy nghĩ phân vân, đắn đo lựa chọn giữa bún bò, bún thịt nướng, bánh này hay bánh kia cho bữa tối. Thì tiếng nói của Phước (một lập trình viên đẹp trai tại DEHA) vang lên “Tâm ơi, đừng log bug nữa, tôi đói lắm rồii”. Tâm (một nữ tester xinh gái tại DEHA) bình tĩnh trả lời “Bạn phải cảm ơn tôi chứ?”.
Ngắm nhìn Phước hân hoan cảm ơn Tâm “Ừ, CẢM ƠN!!” rồi tiếp tục hì hụi gõ ầm ầm vào bàn phím tôi bỗng nhận ra là khi người ta được cảm ơn vì công việc tốt, họ cảm thấy công việc của mình trở nên ý nghĩa hơn. Họ yêu thích công việc của mình. Họ được truyền cảm hứng để làm tốt hơn nữa khi Tâm hân hoan hí hửng bắt thêm đôi ba chú bọ nữa sau lời cảm ơn của Phước. Họ có một tinh thần trung thành mạnh mẽ với người sử dụng lao động của mình. Và mỗi ngày, họ đến làm việc với tâm huyết tìm kiếm cách mới để đóng góp hơn nữa, giúp công ty vượt qua những mục tiêu của mình.
Đối với các doanh nghiệp hiện đại ngày nay, sự công nhận không chỉ là một cách mới để thúc đẩy hiệu suất nhân viên. Sự công nhận mang lại kết quả kinh doanh, truyền cảm hứng cho những nơi làm việc xuất sắc, tạo ra văn hóa đúng đắn và giúp bảo vệ - thậm chí tạo ra một lợi thế cạnh tranh.
Cảm ơn những nỗ lực của các em trong một năm vừa qua, năm nay bánh chưng có nhân.
HungPM
Vậy làm sao để có thể xây dựng một môi trường làm việc tích cực thông qua việc đánh giá cao các nỗ lực của nhân viên, từ đó tăng cường sự gắn kết, trung thành và hiệu suất làm việc? Thế nên tôi quyết định thực hiện một series để có thể cùng nghiên cứu và chia sẻ với mọi người về chủ đề này theo logic sau
- Tìm hiểu về văn hóa tổ chức
- Sự phát triển của văn hóa doanh nghiệp.
- Nơi làm việc lấy con người làm trung tâm.
- Đánh giá, Lòng biết ơn, và Sự cam kết của nhân viên.
- Tìm hiểu về sự công nhận xã hội (Social recognition)
- Xác định tầm nhìn và mục tiêu.
- Sự tiến hóa và tái tạo của Sự công nhận.
- Xu hướng và yếu tố quan trọng trong mô hình làm việc hiện đại.
- Cách thức triển khai thực hành công nhận xã hội
- Xây dựng Framework Social recognition.
- Tăng cường ROI và kết quả kinh doanh.
- Social recognition ảnh hưởng thế nào tới bộ phận nhân sự.
Còn trong phần còn lại của bài viết mở đầu này, chúng ta sẽ cùng nhau đồng nhất một số thuật ngữ để tiện hơn trong quá trình nghiên cứu và trao đổi trong các bài viết sau.
Văn hóa
Văn hóa là trái tim và linh hồn của mọi tổ chức, văn hóa tạo ra ưu thế cạnh tranh, nó mạnh mẽ, nó lan rộng và bền vững. Trong một thế giới kinh doanh phong phú đầy biến động với các nguồn lực về công nghệ, vốn, tài năng quản lý và ý tưởng tốt, văn hóa chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa xuất sắc và trung bình, giữa thành công và thất bại của các tổ chức.
Văn hóa cũng thường bị hiểu nhầm, lạm dụng và bị bỏ qua. Một số nhà lãnh đạo tôi từng gặp vô cùng tự hào về việc quản lý chặt chẽ các lĩnh vực như tài chính và công nghệ nhưng lại xem quản lý văn hóa như là việc chỉ cần những băng rôn, standee, những khẩu hiệu lòe loẹt được trưng bày đầy vào những chỗ có thể trong sảnh của văn phòng.
Một vài người khác, nhận ra rằng văn hóa quan trọng cho sự thành công, họ cho rằng nó đòi hỏi nhiều hơn là việc nói về giá trị của công ty tại buổi họp nhân viên hay buổi sale meeting hàng năm. Và một số lãnh đạo tin rằng văn hóa là “điều diệu kỳ” không thể quản lý được, nó xảy ra khi ta có những người đúng đắn ở đúng vị trí và để họ tự làm việc.
Nhưng thật ra văn hóa có thể được quản lý một cách khoa học, với các quy trình nghiêm túc và chân thành, và sử dụng sức mạnh to lớn của sự công nhận là một cách hiệu quả để quản lý văn hóa một cách chặt chẽ. Văn hóa của một tổ chức có thể được học, khuyến khích, hằn sâu và áp dụng vào mọi quy trình kinh doanh, ở nhiều hình thức và trên tất cả các phần của tổ chức.
Nếu áp dụng đúng, quản lý văn hóa thông qua các thực hành đã được chứng minh sẽ thúc đẩy những cải tiến và đem lại kết quả khủng khiếp đo được thông qua biên lợi nhuận hoạt động, doanh thu và thậm chí là sự hài lòng của khách hàng.
Strategic recognition & Social recognition
Strategic recognition
Là một chiến lược quản lý nhân sự và tổ chức mà nhấn mạnh việc sử dụng các hoạt động công nhận để hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu chiến lược của tổ chức. Điều này không chỉ giới hạn ở việc công nhận các thành tựu và nỗ lực cá nhân, mà còn liên quan đến việc liên kết những hoạt động nhận thức với các mục tiêu lớn hơn của hệ thống.
Nhìn chung, mục tiêu của Strategic recognition là tạo ra một môi trường làm việc tích cực, tăng cường cam kết của nhân viên và đội nhóm, cũng như tạo động lực cho mọi người để họ đóng góp tích cực vào việc đạt được mục tiêu tổ chức. Strategic recognition thường được tích hợp sâu rộng vào chiến lược quản lý nhân sự để đảm bảo rằng việc công nhận không chỉ là một hoạt động cụ thể mà còn là một phần của cách tổ chức thúc đẩy và duy trì văn hóa tích cực và hiệu suất chiến lược.
Social recognition
Là một hình thức công nhận và đánh giá công việc của nhân viên được thực hiện thông qua các kênh và nền tảng xã hội nội bộ trong tổ chức. Trong môi trường làm việc này, nhân viên có khả năng chia sẻ và nhận thức công việc của đồng nghiệp thông qua các ứng dụng, nền tảng trực tuyến, hoặc các phương tiện truyền thông xã hội nội bộ của tổ chức.
Công nhận xã hội thường mang lại không khí tích cực trong tổ chức, thúc đẩy sự tương tác và tạo nên một môi trường làm việc hỗ trợ và động viên lẫn nhau.
Dừng lại và suy nghĩ một chút …
Chúng ta có thể dừng lại ở đây để suy nghĩ một chút và trả lời những câu hỏi sau
- Văn hóa tổ chức của DEHA có được quản lý một cách có chủ đích hay đang được để tự phát triển theo sự ngẫu nhiên?
- Văn hóa của DEHA có đóng góp mỗi ngày vào các mục tiêu chiến lược hay làm trở ngại cho chúng?
- Ai trong công ty cảm thấy họ sở hữu văn hóa của DEHA? JMU, EMU, SFS, PED, BDE…?? hay tất cả nhân viên?
- Văn hóa của công ty có phù hợp với 6 giá trị cốt lõi hiện tại và hỗ trợ cho các giá trị đó không?
- Mọi nhân viên, ở mọi cấp độ có thể mô tả chân thực văn hóa của công ty DEHA không?
- Và quan trọng nhất - bạn có thể chứng minh rằng câu trả lời của bạn cho những câu hỏi này là chính xác không?
Kết bài
Những chia sẻ ngắn gọn bên trên của bài viết chỉ là những trao đổi ngắn gọn, gợi mở về câu hỏi “Làm sao để có thể xây dựng một môi trường làm việc tích cực thông qua việc đánh giá cao các nỗ lực của nhân viên, từ đó tăng cường sự gắn kết, trung thành và hiệu suất làm việc?” cùng với logic nghiên cứu, giải quyết phần nào đó câu hỏi này. Mong là anh em nào hứng thú thì sẽ cùng tìm hiểu và chia sẻ với tôi về chủ đề này.
Cảm ơn anh em đã kiên nhẫn đọc tới tận những dòng suy nghĩ này.
Các phần tiếp theo của chủ đề sẽ được đăng tải vào ngày anh Hung nói “Cảm ơn những nỗ lực của các em trong một năm vừa qua, …” :D :D
Huế, một ngày mưa buồn cuối tháng 10/24