Hành trình đến nước Nhật từ một cậu học sinh cấp 3 đến khi là nhân viên thực tập tại một công ty IT.

 

Xin chào mọi người, mình là Hào. Hiện đang là học sinh năm 4 ngành Kinh tế tại Nhật Bản, dự kiến sẽ tốt nghiệp vào tháng 8/2022 này. Ngoài việc học tập trên trường, mình hiện đang thực tập tại công ty Deha Solutions tại Nhật đến nay đã được 5 tháng. Có thể có rất nhiều sẽ đặt câu hỏi ví dụ như: Tại sao học ngành kinh tế nhưng lại theo đuổi công việc ngành IT? Tại sao lại quyết định sang Nhật du học? Và hàng ngàn câu hỏi tại sao khác nữa. Nhưng trong giới hạn của bài viết hôm nay, mình sẽ xin phép chỉ trả lời hai câu hỏi trên và chia sẻ những trải nghiệm được làm việc trong công ty Deha Solutions tại Nhật.

Hào với trang phục vest lịch lãm

Mình cũng có xuất thân như mọi người khác, từ một trường cấp 3 bình thường (không phải một trường chuyên nào hết). Mình đã có những nung nấu về việc đi du học từ đầu năm lớp 11, từng suy nghĩ và tìm hiểu nhiều nước như Úc, Mỹ, Canada, Singapore, v.v. Nhưng có 3 lý do chính khiến mình chọn nước Nhật: Lý do thứ nhất, học phí của mình được rẻ hơn so với các nước khác (do có học bổng). Lý do thứ hai, ngành học và trường mình học có thể học bằng tiếng Anh. Lý do thứ ba, mình có người thân đang sinh sống tại Nhật. Đối với một cậu bé cậu bé cấp 3 như mình còn chưa trải sự đời, mình chỉ nghĩ rằng mình sẽ chỉ cần dùng tiếng Anh và không cần phải học thêm tiếng Nhật khi sống tại Nhật (vì mình thực sự ghét tiếng Nhật tại thời điểm đó). Lần đầu bước chân sang Nhật với hành trang chỉ 25 bài mina no nihongo, mình đã cảm thấy hoang mang thực sự. Hãy tưởng tượng bạn muốn đi mua mắm, muối, đường nhưng không biết tiếng Nhật là gì. Nhân viên tính tiền hỏi bạn có cần túi ni lông không thì bạn lại nghe thành có cần bồn tắm không (fukuro và ofuro). Lúc đó, hiện thực đã vả cho mình một cái thật đau để nhắc nhở về sự cần thiết của việc học tiếng Nhật khi sinh sống tại Nhật.

Dần dần, cùng với việc học những kiến thức mới tại trường đại học và tìm hiểu trên mạng, bắt đầu từ năm 2 kỳ 2, mình cảm thấy bản thân bắt đầu có hứng thú với nhiều hơn với ngành IT và muốn theo đuổi nó (bản thân mình vốn là một con nghiện những công nghệ mới). Tuy nhiên, thời điểm đó lại là thời điểm đầu bùng phát của dịch covid, thời điểm mà rất nhiều người đã bị ảnh hưởng về cả mặt tinh thần và thể chất, mình cũng không phải ngoại lệ. Quay trở lại Nhật Bản sau khi ăn Tết ở Việt Nam vào tháng 3/2020 mặc kệ những lời cản ngăn từ gia đình về dịch bệnh Covid, mình nghĩ rằng đó là quyết định đúng đắn để tiếp tục công việc học hành. Nhưng không, mình đã phải đối mặt với rất nhiều khủng hoảng. Thứ nhất, hầu như tất cả bạn bè mình chơi cùng đều bị kẹt lại ở Việt Nam, mình không gặp ai mấy trong suốt khoảng thời gian một năm. Thứ 2, do tình hình bệnh dịch, mình cũng nghỉ làm thêm, không có giao lưu với một bạn người Nhật hay đồng nghiệp người Nhật nào, mình chỉ có ru rú trong nhà. Thứ 3, mình bắt đầu mất định hướng với việc mình muốn chuyển ngành, không biết nên bắt đầu từ đâu, phải làm thế nào. Trong gần suốt 1 năm, mình gặp bế tắc, không biết chia sẻ cùng ai, không có giải pháp và những nỗi sợ kéo đến. Tại sao mình lại vô dụng đến thế? Mình không muốn về nước, phải làm sao bây giờ? Mình không muốn làm bố mẹ phải cảm thấy xấu hổ, phải làm sao giờ? Và hàng vạn ngàn câu hỏi đã nảy ra trong khoảng khắc mà mình đã bị bế tắc. Mình cũng đã dành thời gian để học và thi bằng tiếng Nhật, nhưng trong khoảng thời gian mà mình cảm thấy như thể bản thân bị trầm cảm, dù có học đến mấy, chữ không vào và kết quả là đi thi cũng không được. Nhưng sau một năm đó qua đi, mình cũng đã vực lại dậy được. Mình bắt đầu tìm hiểu kĩ lại về ngành IT và những bước mình cần làm để có thể làm trong ngành IT. Mình bắt đầu dành thời gian để nói chuyện với những anh chị senpai làm cùng lịch vực IT để hỏi những kinh nghiệm về công việc cũng như kinh nghiệm để chuyển ngành. Sau đó, bài học mình nhận ra là phải bắt tay vào hành động làm thay vì chỉ ngồi suy nghi, bế tắc và không làm gì. Ví dụ cụ thể là: mình đã bắt đầu vào việc học những thứ mình thích sau khi tham khảo ý kiến những người đi trước để có kinh nghiệm (hoặc là ít nhất là một tấm bằng gì đó, dù là bằng cấp online).

Sau đó, mình cũng đã tham gia một chương trình tên là VPJ Mentoring của hội VPJ tại Nhật (Vietnamese Professional in Japan). Trong suốt quá trình này, mình đã học hỏi được làm thế nào để có thể phân tích được bản thân (自己分析) về những điểm mạnh điểm yếu của mình, học được cách viết CV và vô vàn những điều bổ ích khác. Sau khi chương trình VPJ Mentoring kết thúc, đó cũng là thời điểm minh may mắn nhận được cơ hội thực tập tại công ty IT mà mình đang làm hiện tại.

Về công ty Deha tại Nhật (hay còn gọi là Deha Solutions), mình cảm thấy môi trường của công ty là một môi trường tương đối hoàn hảo để mình có thể học hỏi và phát triển thêm. Ngay từ khi bước vào quá trình đầu tiên, việc training của mình đã diễn ra một cách khá thuận lợi. Nhờ sự giúp đỡ vô cùng nhiệt tình từ những anh chị bên phòng đào tạo (anh Cấn, chị Hằngtt, anh Huyhq phòng DET), mình cũng đã học được thêm một kỹ năng đó là: hãy tự nghiên cứu những câu hỏi mà mình muốn hỏi trên google trước khi hỏi (làm phiền) đến người khác (bởi vì google không tính phí). Sau khi giai đoạn một, giai đoạn 2 là giai đoạn mà mình lên công ty và tiếp tục việc training, mình đã tưởng tượng về một công ty tại Nhật là mọi người cũng sẽ có chút gì đó lạnh lùng như người Nhật. Nhưng những điều đó khác hoàn toàn với những gì tưởng tượng, lo sợ. Ngày đầu tiên đến công ty, mặc dù mình cũng đã bị ngợp mất một lúc đầu, nhưng dưới sự vui vẻ, thoải mái và luôn sẵn sàng hỗ trợ của các anh chị trong công ty, mình đã dần trở nên thoải mái hơn. Những ngày sau đó, bên cạnh việc training, mình cũng đã có thể tham gia vào trò chuyện cùng mọi người những câu chuyện phiếm, câu chuyện công việc, hỏi han những điều tò mò, thắc mắc. Những bữa ăn trưa chính là thời gian để mình có thể giao lưu thêm với các anh chị, hỏi hang và nghe kể thêm về những kinh nghiệm trong công việc. Bước vào giai đoạn 3, giai đoạn bắt đầu tham gia quản lý dự án, mình đã có những nỗi sợ như: nói tiếng Nhật khách không hiểu, không hiểu khách nói gì, không biết phải làm gì và ti tỉ những nỗi sợ khác. Nhưng dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của anh Tuấn Anh (LAM), mình đã biết làm thế nào để có thể giao tiếp với khách, cảm thấy tự tin hơn, biết làm thể nào để có thể kick off một dự án, những thứ cần làm trong một dự án. Mặc dù, có những lúc sẽ có lỗi xảy ra, mình cũng đã rất sợ tại vì làm hỏng việc, nhưng mình đã học cách để khắc phục được sự cố và làm thế nào để ngăn sự cố xảy ra thay vì chỉ ngồi sợ sệt.

Hào cùng các anh chị em đồng nghiệp

Trong suốt quãng đường từ cấp 3 đến khi mình đi thực tập này, mình đã học được rất nhiều bài học quý giá cũng như những vốn sống để đời (đặc biệt là trong thời gian làm việc tại công ty). Bài viết cũng đã dài, nếu còn bài học gì, mình xin phép được chia sẻ tại bài viết sau. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian để đọc đến đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cobunka